1.Dựa theo phân tích kỹ thuật (technical anaylyst – TA)
Phân tích kỹ thuật là đề cập đến phương pháp phân tích chứng khoán dựa vào dữ liệu biến động giá của cổ phiếu.
Khi sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật nhà đầu tư thường sử dụng các chỉ báo như đường xu hướng, khối lượng, sóng Elliott, MACD, ngưỡng kháng cự, hỗ trợ…
Về cơ bản, phân tích kỹ thuật trong chứng khoán sẽ dựa vào nền tảng lý thuyết Dow, trong đó nói rằng giá cổ phiếu đã phản ánh tất cả mọi thứ có thể ảnh hưởng đến công ty như tâm lý, chính sách, kết quả kinh doanh v.v
Việc giao dịch theo TA người trader cần có hiểu biết về phân tích kỹ thuật, và với những người traders thì “không cần biết đó là cổ phiếu cơ bản hay đầu cơ” và “mọi thứ đã được phản ánh vào đồ thị” từ kết quả kinh doanh, thông tin nội bộ…, do đó họ chỉ mua bán theo những tín hiệu và hệ thống trading của họ.
Tố chất cần có của một dân trader chuyên nghiệp là tính kỷ luật, có thể khi cổ phiếu xuống thấp bạn không dám mua (bắt đáy), nhưng họ vẫn mua.
Khi cổ phiếu lên cao, bạn không dám vào nhưng họ có thể mua ở những điểm mua số 2, 3, mua bước sóng tiếp theo hay mua ở những điểm theo đà bùng nổ.
Phân tích kỹ thuật nó không bao giờ khẳng định là thị trường tuần sau, tháng sau… sẽ phải tăng hay giảm, mà nó chỉ đưa ra khả năng có thể xảy ra trường hợp đó ( xác suất % xảy ra ).
Và vì thế khi tham gia vào thị trường ngoài kế hoạch chính ra thì luôn luôn phải có kế hoạch đi kèm (gọi là kế hoạch dự phòng), đúng thì làm sao, và sai thì xử lý như thế nào.
Ví dụ: khi phân tích chart cổ phiếu A, cho tín hiệu mua khi cổ phiếu biến động qua giá 100, thì kế hoạch chính là giải ngân mua cổ phiếu A đó, và kế hoạch dự phòng là đưa ra trường hợp xử lý nếu cổ phiếu đó không biến động đúng kế hoạch chính, giả định bán nếu cổ phiếu gãy 90.
Và điều quan trọng kế hoạch dự phòng này phải được đặt ra cùng thời điểm với việc thực hiện kế hoạch chính, hiểu đơn giản ở đây là Đúng thì Mua, Sai thì Cắt (bán).
Nguyên tắc của phân tích kĩ thuật là “Trade what you See not trade what you Think” vì thế khi cổ phiếu A kia gãy vùng 90 thì nhiều người hay đưa lý do này nọ để lãng tránh việc thực hiện kế hoạch dự phòng.
Phương án hay nhất là cứ im lặng mà xử lý, đừng cố gắng bảo về quan điểm hay đưa ra các lý do này nọ để làm gì…
Vì nếu làm thế thì rõ ràng ta không chấp nhận sai, không chấp nhận kế hoạch ta đặt ra ngay từ đầu, mà nếu không chấp nhận sai thì làm gì có chuyện sửa sai để chỉnh sửa, hoàn thiện nguyên tắc đầu tư của mình.
Ưu và nhược điểm của phân tích kỹ thuật
a. Ưu điểm của phân tích kỹ thuật
- Phân tích kỹ thuật có thể giúp xác định thời điểm thích hợp. Một số nhà phân tích sử dụng phân tích cơ bản để quyết định mua gì và phân tích kỹ thuật để quyết định khi nào mua. Không có gì bí mật khi thời gian có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện.
- Diễn biến giá thường đi trước phân tích cơ bản. Bằng cách tập trung vào diễn biến giá cả, các nhà phân tích kỹ thuật sẽ dự đoán được giá tương lai.
- Phân tích biểu đồ đơn giản có thể giúp xác định mức hỗ trợ và kháng cự. Chúng thường được đánh dấu bởi các khoảng thời gian nghẽn giao dịch (phạm vi giao dịch), trong đó giá di chuyển trong phạm vi hạn hẹp trong một khoảng thời gian dài cho ta biết rằng lực cung và cầu đã bế tắc.
b. Nhược điểm của phân tích kỹ thuật
- Không phải tất cả tín hiệu và mô hình kỹ thuật đều hoạt động đúng. Khi bạn bắt đầu nghiên cứu phân tích kỹ thuật bạn sẽ gặp một loạt các mô hình và chỉ số với các quy tắc để kết hợp.
- Phân tích kỹ thuật là chủ quan và những ý kiến cá nhân của chúng ta có thể được phản ánh trong phân tích. Điều quan trọng là phải nhận thức được những ý kiến này khi phân tích biểu đồ.
- Mặc dù có các tiêu chuẩn, nhiều lần hai nhà phân tích kỹ thuật xem cùng một biểu đồ nhưng lại đưa ra hai kịch bản khác nhau.
Cả hai sẽ có thể đưa ra mức hỗ trợ hợp lý và mức kháng cự chính để biện minh cho phân tích của họ. Phân tích kỹ thuật giống như nghệ thuật hơn là khoa học. Mọi chuyện đều có tính tương đối, phụ thuộc vào mắt của người xem.
- Phương pháp này là sẽ phải thường xuyên theo dõi bảng điện tử để đọc lệnh, xem cung cầu, dòng tiền, và có thể phán ứng nhanh khi có những dấu hiệu “kỹ thuật” đòi hỏi phải mua hoặc bán, nên sẽ tốn nhiều thời gian; ngoài ra việc giao dịch liên tục theo TA sẽ tốn rất nhiều phí và thuế.
Thời gian thoát lệnh: trung bình theo 1-3 ngày hoặc 1 tuần
2.Dựa theo phân tích cơ bản (Fundamental Anaylyst – FA)
Với những người theo trường phái FA thì điều duy nhất họ quan tâm là nội tại của doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản phẩm, chiến lược kinh doanh, ban lãnh đạo….
Họ ít khi theo dõi bảng điện, và nguyên tắc mua bán của họ dựa trên việc định giá giá trị doanh nghiệp.
Kim chỉ nam của các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản là đo lường giá trị thực của một công ty bới các chỉ tiêu tài chính như: tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận; những rủi ro mà công ty có thể gặp phải; dòng tiền…
Sự chênh lệch của giá trị trường so với giá trị thực của một công ty chính là cơ hội đề đầu tư hoặc dấu hiệu cho việc bán chốt lời cổ phiếu.
Một số nhà phân tích thường sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền mặt để xác định giá trị của công ty, trong khi đó một số người lại sử dụng tỷ số giá trên thu nhập (P/E) …
Các nhân tố cơ bản cần nghiên cứu bao gồm:
- Phân tích thông tin cơ bản về công ty
- Phân tích báo cáo tài chính của công ty
- Phân tích hoạt động kinh doanh của công ty
- Phân tích ngành mà công ty đang hoạt động
- Phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng chung đến giá cả cổ phiếu
Sau khi nghiên cứu, nhà phân tích có nhiệm vụ phải chỉ ra được những dự đoán cho những chỉ tiêu quan trọng như thu nhập kỳ vọng, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, giá trị hợp lý của cổ phiếu, các đánh giá quan trọng cũng như khuyến nghị mua/bán cổ phiếu trên thị trường.
Ưu điểm của phương pháp này là nhà đầu tư sẽ tránh được việc mua phải những cổ phiếu “lởm”, cơ cấu tài chính thiếu lành mạnh hoặc mua ở giá quá cao.
Nên nếu nhận định đúng doanh nghiệp, họ có thể kiếm lãi rất lớn thậm chí >100%.
Nhược điểm:Do phương pháp này đòi hỏi tính kiên trì lớn, chọn cổ phiếu và kiên trì nắm giữ, nên nhiều khi trước những đợt biến động mạnh của thị trường thì họ phải hứng chịu việc nhìn lãi trên tài khoản của mình bốc hơi
Lợi nhuận trong năm không cao từ trên 10%
Thời gian thoát lệnh: trung bình theo năm, từ 3-5 năm hay 10 năm
3.Dựa theo phương pháp đầu tư tăng trưởng
Đây là phương pháp kết hợp cả FA và TA dựa trên sự tăng trưởng EPS, doanh thu, lợi nhuận và các dấu hiệu kỹ thuật để trading, hay nói cách khác là “trading trên những cổ phiếu cơ bản tốt”.
Và phương pháp này tỏ ra rất thành công trên thị trường với những cổ phiếu tăng chưa thấy đỉnh như CTD, VCS, PTB, MWG …
Ưu điểm: của nó là sẽ tránh việc mắc vào những cổ phiếu rủi ro và không thoát được hàng khi có tin xấu, và cũng tránh được việc “bốc hơi” lợi nhuận khi thị trường vào những đợt sụt giảm mạnh, hoặc cổ phiếu có dấu hiệu điều chỉnh.
Nhược điểm: những người đầu tư theo trường phái tăng trưởng thì tiêu chí “tăng trưởng” phải đảm bảo trong 3-5 năm liên tục,
Và đây cũng là nhược điểm vì khi cổ phiếu đã tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận hay eps 3-5 năm liên tục thì giá cổ phiếu ở một ngưỡng rất cao (trên thị trường chứng khoán tất cả những gì nhìn thấy được đều phải trả giá bằng tiền).
Và sẽ phải chịu rủi ro nếu nhà đầu tư không định giá chuẩn doanh nghiệp, ngành nghề và các rủi ro tác động đến doanh nghiệp đó.
Thời gian thoát lệnh: trung bình theo tháng, từ 3-6 tháng
4.Dựa theo tin nội bộ
Nhiều người không giỏi phân tích doanh nghiệp, và đọc được đồ thị kỹ thuật nhưng lại rất thạo tin, phương pháp đầu tư của họ là mua vào những cổ phiếu trước khi có các tin tức như kết quả kinh doanh tốt, ban lãnh đạo sắp mua vào…và đến khi tin ra họ bán chốt lời.
Rủi ro của phương pháp này là khi thông tin đến tai mình thì nó đã phải qua rất nhiều người “tam sao thất bản” và đến tai của mình giá cổ phiếu cũng đã tăng được một đoạn.
Ngoài ra chỉ cần thông tin sai lệch thì dẫn đến rủi ro rất lớn. Vì các nguồn tin trên thị trường độ chính xác không phải là tuyệt đối. Đánh theo tin đúng 10 lần, sai 1 lần có khi cũng mất sạch.
5.Dựa theo “game”
Có những cổ phiếu được đưa lên sàn để thực hiện những mục tiêu của nhà tạo lập, có những cổ phiếu cần được đẩy giá lên để phát hành thêm, để thế chấp vay vốn ngân hàng, để vào ETF…
Nên nhiều nhà đầu tư trên thị trường thường “đọc vị” ý đồ của lái, đoán game để quyết định giải ngân theo.
Nhược điểm phương pháp này là quyền định đoạt nằm trong tay đội lái, và chỉ cần đọc sai “game” hậu quả cũng rất lớn.
Kết luận: Mỗi phương pháp kiếm tiền trên thị trường chứng khoán đều có những ưu và nhược điểm, phương pháp nào phù hợp còn tuỳ thuộc vào năng lực của mỗi nhà đầu tư, cũng như tính cách của họ.