Chiến lược đầu tư chứng khoán hiệu quả

Chúng ta đã nắm được khái niệm chứng khoáncổ phiếu là gì cũng như biết được cách tham gia đầu tư chứng khoán ( mở tài khoản, đọc bảng giá…) như thế nào.

Nhưng điều đó không đảm bảo là chúng ta sẽ đầu tư thành công, chúng ta biết cách chơi chứng khoán, giống như việc một người biết khái niệm bóng đá là gì, hiểu luật chơi không có nghĩa là người đó đá bóng giỏi.

Cầu thủ đó phải có kĩ năng chơi bóng đá và phải luyện tập thường xuyên để rèn luyện bản thân mình. Đầu tư chứng khoán cũng tương tự như vậy, một nhà đầu tư muốn chiến thắng trên thị trường cần phải có chiến lược đầu tư hiệu quả cùng kinh nghiệm đầu tư được rèn qua thời gian.

Nhắc đến phương pháp đầu tư chứng khoán, có thể nhiều người cũng đã biết qua cũng như đọc ở đâu đó 1 vài khái niệm.

Thực tế có rất nhiều phương pháp và trường phái đầu tư khác nhau như chiến lược đầu tư chứng khoán theo phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, phương pháp đầu tư giá trị hoặc đầu tư tăng trưởng,….

Và từ đó dẫn đến 1 câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc là vậy phương pháp nào hiệu quả? 

Tôi xin nhấn mạnh là tất cả các chiến lược đầu tư hầu như đều đem lại thành công, tuy nhiên mỗi chiến lược lại phù hợp với từng nhà đầu tư một.

Một người có thể đầu tư rất thành công với phương pháp phân tích kỹ thuật, nhưng lại thất bại với phân tích cơ bản và ngược lại.

Chính vì vậy, trước khi bắt đầu đầu tư, hãy dành thời gian để nghiên cứu qua các phương pháp và xây dựng cho mình chiến lược đầu tư phù hợp.

Bất kì chiến lược nào cũng đều tuân theo 4 bước sau

Bước 1: Chọn danh mục đầu tư ( bao gồm 1 trong các phương pháp trên )

Bước 2: Xác định thời điểm đầu tư

Bước 3: Quản trị rủi ro (lãi/lỗ) đối với danh mục đó.

Bước 4: Quản lý cảm xúc

1/ Lựa chọn Danh mục đầu tư

 

Đây là bước đầu tiên của tất cả phương pháp đầu tư. Với hàng ngàn cổ phiếu trên thị trường cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, bạn phải xác định rõ những cổ phiếu xứng đáng để đặt tiền của mình vào.

Tất nhiên để tìm ra những cổ phiếu tốt giữa một biển thông tin, báo cáo tài chính là điều không dễ dàng.

Mỗi phương pháp đầu tư sẽ có tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu cho riêng mình.

Tuỳ thuộc vào cách và chiến lược đầu tư mà mỗi nhà đầu tư sẽ có 1 danh mục đầu tư cụ thể khác nhau.

Việc có trong tay 1 danh mục đầu tư chất lượng sẽ giúp bạn tối ưu hoá lợi nhuận của mình trên thị trường chứng khoán. Vấn đề đặt ra là trên thị trường có tới vài trăm mã, vậy tôi biết lựa chọn mã nào để mua??

Một danh mục đầu tư được xây dựng dựa trên 2 tiêu chí sau

  • Thời gian đầu tư của bạn. Bạn muốn đầu tư dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn???
  • Mục đích và kì vọng đầu tư của bạn. Bạn muốn có lợi nhuận cao gấp vài lần vốn bỏ ra hay muốn đảm bảo an toàn trước hết cho tiền của mình. Bạn xem cổ phiếu như 1 tài sản thụ động đem lại thu nhập hằng năm hay nhìn nó như món hàng trao đổi trên thị trường?

Hai tiêu chí trên cũng sẽ phản ánh chính chiến lược đầu tư của bạn. Nếu là 1 người thích đầu tư dài hạn và xem cổ phiếu như tài sản, nhà đầu tư sẽ chọn chiến lược đầu tư giá trị hay đầu tư theo cổ tức.

Nếu bạn thích mức lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, chiến lược đầu tư tăng trưởng sẽ phù hợp với bạn….

Vậy tôi dựa vào đâu để đánh giá 1 cổ phiếu phù hợp với các tiêu chí trên? Các yếu tố cơ bản và xu hướng sẽ là nhân tố chính để xem xét cổ phiếu liệu có nằm trong danh mục đầu tư của bạn hay không.

Các yếu tố cơ bản: mua cổ phiếu là mua 1 phần của công ty đó. Bạn phải hiểu rõ nội tại của công ty thông qua các báo cáo tài chính, các chỉ số tài chính, sự phát triển, quy mô của doanh nghiệp,…

Xu hướng: yếu tố luôn cần phải xem xét tới khi đầu tư. Bạn cần phải biết được khối lượng giao dịch của cổ phiếu ra sao, tín hiệu mua bán là gì,… Chắc chắn không ai muốn mua 1 cổ phiếu khi nó đang trong xu hướng giảm phải không???

Để có thể áp dụng tốt nhất việc lọc cổ phiếu ở trên, bạn cần một phần mềm lọc cổ phiếu thật chất lượng để tìm thấy những cổ phiếu “tiềm năng”.

Hãy lựa chọn danh mục đầu tư cho mình 1 cách thông mình vì chúng cũng chính là danh mục “tài sản” của bạn.

Việc nghe “phím hàng” hay đám đông trên thị trường để đầu tư không phải là cách mà chúng ta đối xử với tài sản của mình ( nếu bạn định “đầu tư” theo cách đó, tôi khuyên bạn nên bỏ tiền vào sòng bạc còn ít rủi ro hơn).

Xin bạn nhớ cho khi bạn mua cổ phiếu tức là bạn đang mua 1 phần doanh nghiệp đó. Đó là tài sản của bạn, hãy đối xử 1 cách công bằng và trân trọng với nó.

2/ Xác định thời điểm đầu tư

Việc một cổ phiếu được đánh giá là tốt không có nghĩa là nó sẽ chắc chắn tăng giá khi bạn mua. Bạn cần hiểu rằng việc định giá 1 cổ phiếu ngoài các yếu tố cơ bản của công ty thì nó còn phụ thuộc vào thị trường ( tâm lí, nhu cầu,…)

Thực tế có 1 kịch bản rất quen thuộc với các nhà đầu tư trên thị trường là vừa mua cổ phiếu thì giá đi xuống hay vừa bán cổ phiếu thì giá đi lên.

Điều này thường xuất phát từ việc chọn sai thời điểm để đầu tư. Chọn thời điểm giao dịch khi cổ phiếu trong xu hướng tăng sẽ giảm thiểu rủi ro cho bạn rất nhiều.

Bằng các phương pháp lọc cổ phiếu , bạn đã có trong tay 1 danh mục đầu tư trong mơ với các cổ phiếu tốt nhất thị trường. Nhiều nhà đầu tư có vẻ khá thoả mãn về điều này: “Tôi chỉ cần vậy là đủ, cổ phiếu tốt và tăng trưởng tự nó sẽ luôn tăng giá”.

Hoặc nhiều nhà đầu tư sẽ phản đối: tôi mua cổ phiếu dài hạn để nhận cổ tức hàng năm. Nhưng chẳng phải khi mua được ở mức giá rẻ hơn, bạn sẽ tối ưu được lợi nhuận của mình lên nhiều (ưu tiên lớn nhất khi đầu tư chứng khoán), đồng thời giảm thiểu được rủi ro khi giá giảm đó sao.

Việc mua bán ở thời điểm đầu tư hợp lý luôn đem đến lợi thế hơn rất nhiều khi kết hợp với 1 danh mục đầu tư tốt:

Giá lợi thế: hẳn nhiên rồi. Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn và trung hạn, điều này chắc chắn là quan trọng nhất. Mua cổ phiếu giá rẻ và bán lại ở giá cao luôn là mục tiêu số 1. Điều này chỉ có thể đạt được khi bạn chọn thời điểm đầu tư hợp lý.

Đối với các nhà đầu tư dài hạn, giá lợi thế sẽ giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư, bán được với giá cao hơn sau thời gian dài nắm giữ, mua được khối lượng cổ phiếu lớn hơn ( và đương nhiên sẽ nhận cổ tức nhiều hơn)

Thời gian lợi thế: thay vì phải chờ đợi đến 6 tháng thậm chí 1 năm để đạt được mức lợi nhuận 25%, đầu tư tại thời điểm đầu tư hợp lý sẽ giúp cho các nhà đầu tư có thể rút ngắn thời gian lại có thể chỉ trong vòng 1-2 tháng.

Tiền đầu tư của bạn sẽ có cơ hội xoay vòng vốn nhiều hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều.

Đến đây lại đặt ra câu hỏi: Vậy làm như thế nào để tôi có thể chọn được điểm mua bán hợp lý ??. Đó là cả 1 kỹ năng đầu tư lớn, trong khuôn khổ bài viết này sẽ không thể nói hết được,  tôi sẽ nói kỹ hơn trong các bài tiếp theo.

“Có mặt đúng thời điểm” luôn mang đến nhiều cơ hội và lựa chọn hơn cho bạn. Vì vậy đừng quên nguyên tắc số 2 của mọi chiến lược đầu tư này

3/Quản trị rủi ro với danh mục đầu tư

Không có chiến lược đầu tư chứng khoán nào là thành công 100%, và cũng không có một nhà đầu tư nào luôn có thể chiến thắng thị trường chứng khoán. Đó là sự thật khắc nghiệt trên thị trường chứng khoán và chúng ta phải chấp nhận điều đó.

Một nhà đầu tư về cơ bản có thể coi là thành công khi anh ta có thể xác suất thành công từ 60-80% ( mua 10 cổ phiếu thì lãi 6-8 cổ phiếu) và quản trị lãi/lỗ tốt ( tức là số tiền lãi thu được luôn phải nhiều hơn số tiền lỗ).

Để tôi kể cho bạn câu chuyện này. Hồi mới bắt đầu chân ướt chân ráo vào nghề, tôi tình cờ quen 2 người bạn mới bắt đầu học về chứng khoán, xuất phát điểm như nhau.

Sau nhiều buổi giao lưu và chia sẻ, họ cũng nắm được 1 số phương pháp về lọc cổ phiếu và các chiến lược mua bán hợp lý.

Rồi công việc bận rộn khiến cho gần 1 năm sau tôi mới có dịp gặp lại họ. Sau vài câu chuyện về gia đình, công việc, chúng tôi cùng trao đổi về tình hình đầu tư của nhau.

Và bạn đoán xem, hai người cùng sử dụng những phương pháp đầu tư như nhau, thậm chí xác suất thành công của người A còn là 80% ( hiểu nôm na là mua 10 lãi 8) còn người B thì chỉ là 60%, nhưng người A lại lỗ 50% trong khi người B lãi 30% ngay ở năm đầu tư đầu tiên của mình.

Điều khác biệt ở đây là gì??

Nguyên nhân nằm ở đây: mặc dù người A có xác suất thành công cao hơn, nhưng anh ta lại phân bổ vốn của mình nhiều vào các cổ phiếu thua lỗ. Lợi nhuận từ các cổ phiếu có lãi không bù được số tiền bị thua lỗ, chưa kể nhiều cổ phiếu lỗ dù giảm sâu nhưng vẫn cố giữ để rồi phải bán tháo.

Người B xác suất thấp hơn nhưng phân bổ tài sản khá hợp lý và có chính sách cắt lỗ đối với những vụ đầu tư thất bại, do đó về tổng thể vẫn kiếm được lợi nhuận.

Đó cũng chính là sự khác biệt giữa 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Trước hết bạn cần phải nhớ rằng dù cho danh mục của bạn có tốt đến đâu và bạn chọn điểm mua hợp lí như thế nào, thì vẫn luôn có xác suất bị thua lỗ.

Không nhà đầu tư nào có thể chiến thắng 100% trên thị trường được. Bạn có thể thắng 1 vài lệnh đó, nhưng chỉ cần 1 lệnh lỗ có thể sẽ đánh bay toàn bộ số lãi kiếm được trước đóm thậm chí là “bốc hơi” cả vốn.

Đó là lí do quản trị rủi ro trong đầu tư là vô cùng cần thiết.

2 yếu tố quan trọng nhất trong quản trị rủi ro là Phân bổ vốn đầu tư hợp lý và Stoploss.

Phân bổ vốn đầu tư hợp lý: Bước đầu tiên của việc quản trị rủi ro. Thực tế câu chuyện trên cũng là 1 trường hợp hết sức điển hình của rất nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu lãi thì bỏ vốn ít mà cổ phiếu lỗ thì lại trót bỏ vốn nhiều.

Cho nên dù cả thị trường vẫn tăng trưởng tốt, nhưng bản thân lại không kiếm được lợi nhuận.

Tất nhiên việc phân bổ vốn hợp lí không chỉ đơn giản là chia đều vốn cho số cổ phiếu kiểu như bạn có 10 tỉ, đầu tư 10 cổ phiếu thì bỏ vào mỗi cổ phiếu 1 tỉ. Tôi sẽ nói rõ hơn việc phân bổ như thế nào trong 1 bài chi tiết hơn.

Ngoài ra không nên bỏ hết tiền của mình vào 1-2 cổ phiếu. “Không bỏ hết trứng vào cùng 1 rổ”- điều đó luôn cần thiết trên thị trường chứng khoán, nhất là với các nhà đầu tư mới.

Nhưng cũng đừng đầu tư dàn trải quá nhiều cổ phiếu. Mức hợp lý ở đây  là từ 4-5 cổ phiếu trong danh mục đầu tư

Stoploss: 1 nguyên nhân phổ biến dẫn đến thua lỗ của các nhà đầu tư chính là việc họ không cắt lỗ khi cần. Điều này do các nhà đầu tư hay bị cảm xúc lấn át, khi cổ phiếu giảm sâu họ ở trong trạng thái không chấp nhận bị thua lỗ.

Không ai muốn nhận là mình đầu tư sai cả, người ta luôn hi vọng là cổ phiếu sẽ tăng trở lại, cho đến khi cổ phiếu ngày càng xuống thấp hoặc không bao giờ quay trở lại giá mua.

Và như thế đã lỗ lại càng lỗ nặng kéo theo cả tài khoản cũng bị giảm mạnh. Giải pháp ở đây là luôn phải đặt sẵn stoploss ngay từ lúc bắt đầu đầu tư.

Quản trị rủi ro trong danh mục đầu tư là công đoạn khá quan trọng  của bất kì chiến lược đầu tư nào, nhưng lại thường bị các nhà đầu tư bỏ quên nhiều nhất.

Bạn có thể chọn cổ được cổ phiếu tốt, điểm mua hợp lí, nhưng nếu không quản trị rủi ro danh mục của mình thì bạn sẽ vẫn lỗ như thường. Nói cho cùng thì nếu không có lợi nhuận thì danh mục đầu tư tốt, giá mua rẻ có nghĩa lí gì?

Leave a Comment