Giao dịch ký quỹ (margin trading) thực chất là hình thức vay tiền để mua chứng khoán. Hoạt động giao dịch ký quỹ tạo ra những cơ hội tốt, nâng cao hiệu quả đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Vì vậy việc tìm hiểu cẩn trọng về giao dịch ký quỹ là điều rất cần thiết với mỗi nhà đầu tư chứng khoán trước khi quyết định tham gia vào hoạt động đầu tư này.
Giao dịch ký quỹ là gì?
Giao dịch ký quỹ là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do Công ty Chứng Khoán (CTCK) môi giới cấp..thông qua việc thế chấp, cầm cố tài sản đảm bảo (TSĐB) của bạn.
Tài sản đảm bảo (TSĐB): là toàn bộ tài sản có trong tài khoản chứng khoán của bạn bao gồm: tiền mặt, chứng khoán hiện có và/hoặc đang chờ về, cổ tức đang chờ về; quyền mua cổ phiếu và những tài sản khác được CTCK chấp nhận.
Tùy từng cổ phiếu và tùy theo chất lượng của cổ phiếu đó mà CTCK cho bạn vay nhiều hay ít.
Những cổ phiếu có vốn hóa lớn (trong rổ chỉ số VN30) hoặc những cổ phiếu có tính thanh khoản cao (dễ mua, dễ bán) thường là những cổ phiếu mà các CTCK cho thế chấp với giá trị cao nhất.
Các CTCK lớn thường cho vay ký quỹ với tỷ lệ khá cao, tối đa có thể lên gấp 3 số tiền bạn đang có (tỷ lệ 1:3 hoặc 3:7 tùy từng CTCK).
Lãi suất vay margin (ký quỹ) rơi vào khoảng 0.038-0.04%/ số tiền vay/ 01 ngày. Và rơi vào khoảng 14%/ 01 năm.
Tỷ lệ nợ (Tln): là tỷ lệ phần trăm (%) giữa Tổng dư nợ vay / Tổng Giá trị được phép vay của chứng khoán ký quỹ.
Ví dụ, bạn có 100 triệu có thể mua tối đa lên tới 300 triệu. Tuy nhiên khi giá cổ phiếu sụt giảm tới một mức nhất định (từ 7-10%) thì tỷ lệ nợ của bạn sẽ tăng lên đồng thời với việc bạn sẽ phải nộp thêm tiền vào hoặc phải bán ra một phần cổ phiếu để duy trì đúng tỷ lệ nợ đã cam kết.
Ngược lại, nếu giá cổ phiếu tăng lên sau khi bạn mua thì hôm sau tỷ lệ nợ của bạn sẽ giảm xuống và bạn có thể mua thêm được cổ phiếu (mua gấp thếp). Bạn muốn được giao dịch ký quỹ thì bạn cần phải ký hợp đồng giao dịch ký quỹ với CTCK
Không phải tất cả chứng khoán đều được các nhà môi giới cung cấp dịch vụ margin, mà thông thường chỉ thuộc một danh sách giới hạn được chọn lựa. Nhà môi giới làm điều này nhằm để kiểm soát rủi ro.
Giao dịch ký quỹ chứng khoán, thông thường có hai vị thế chính. Đó là vị thế mua ký quỹ và bán ký quỹ.
- Thứ nhất: Mua ký quỹ (Long position – Mua trước Bán sau) chứng khoán là hình thức nhà đầu tư mua chứng khoán bằng cách vay thêm tiền từ công ty chứng khoán. Và nhà đầu tư phải có nghĩa vụ hoàn trả số nợ và các khoản lãi vay, chi phí phát sinh khác từ hoạt động giao dịch theo ký kết trong hợp đồng.
- Thứ hai: Bán ký quỹ (Short position – Bán trước Mua sau) là hình thức nhà đầu tư vay chứng khoán khoán từ chứng khoán của công ty chứng khoán để bán và nhà đầu tư phải có nghĩa vũ hoàn trả lại số chứng khoán đã vay của cônh ty chứng khoán cùng với các khoản phát sinh từ hợp đồng liên quan. Hiện TTCK Việt Nam chưa cho phép hình thức giao dịch này
Giao dịch ký quỹ: Rủi ro và cơ hội
Giao dịch ký quỹ về bản chất là sử dụng đòn bẩy trong hoạt động đầu tư chứng khoán.
Rất dễ hiểu, nếu hoạt động đầu tư của bạn có hiệu quả, mức sinh lời từ khoản đầu tư có thể tăng lên gấp bội so với việc chỉ sử dụng vốn tự có.
Và đương nhiên, rủi ro cũng không hề nhỏ. Trong trường hợp thua lỗ, mất mát của bạn cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với bình thường.
Điều này hàm ý rằng hoạt động giao dịch ký quỹ là cực kỳ rủi ro và không phù hợp với số đông nhà đầu tư.
Hoạt động này cũng được xem là “thủ phạm” kích hoạt đà bán tháo rất nhiều lần và khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo.
Ngoài ra, hợp đồng giao dịch ký quỹ thường có các quy định phức tạp và đôi khi lắt léo. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hợp đồng này trước khi ký.
Mỗi loại hình nghiệp vụ đều có những lợi ích và hạn chế nhất định. Việc thực hiện loại hình nghiệp vụ nào đều phải căn cứ chính vào xu thế thị trường để đưa ra quyết sách phù hợp.
- Nếu xác định xu thế của thị trường là xu thế tăng, nhà đầu tư có thể gia tăng thêm phần lợi suất từ hoạt động mua ký quỹ.
- Nếu xác định xu thế của thị trường là xu hướng giảm thì nhà đầu tư có thể kiếm lợi từ việc vay chứng khoán bán giá cao và mua chứng khoán trả lại cho công ty chứng khoán với giá thấp hơn.
Trường hợp xấu nhất, khi xu hướng giá chứng khoán không phù hợp với dự báo thì khoản lỗ sẽ phát sinh và lớn hơn so với giao dịch bình thường.
Xét về tổng thể, giao dịch ký quỹ có một số lợi ích nổi bật như:
– Đối với nhà đầu tư: Có cơ hội để tăng lợi nhuận.
– Đối với công ty Chứng Khoán: Tăng khối lượng giao dịch, tăng hoa hồng.
– Đối với thị trường chứng khoán: Tăng tính thanh khoản, khuyến khích thêm nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia thị trường, tiến gần hơn tới thế giới.
Như vậy có thể thấy giao dịch ký quỹ có những ảnh hưởng tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và làm tổn hại tới hoạt động của thị trường chứng khoán.
Vì thế, cũng tương tự như giao dịch bán khống, giao dịch ký quỹ thường chỉ được các thị trường chứng khoán áp dụng khi đạt tới một trình độ phát triển nhất định.
Có nên giao dịch ký quỹ (Margin) không?
Rủi ro lớn thì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, mình nhận thấy giao dịch ký quỹ là một con dao hai lưỡi.
Những nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ phần đa là thua nhiều hơn thắng. Việc sử dụng giao dịch ký quỹ nên áp dụng thận trọng trong từng giai đoạn thị trường và chỉ phù hợp với số ít những nhà đầu tư chuyên nghiệp, biết quản trị rủi ro tốt.
Đối với những người mới đầu tư chứng khoán khuyến nghị không nên sử dụng dịch vụ này. Lý do tại sao xin được giải thích ngay sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất margin 14%/năm.
Giả sử một năm bạn đầu tư có lãi 15%/năm thì tóm lại bạn cũng chỉ hòa vốn.
Thứ hai, khi bạn sử dụng margin thì đồng nghĩa với việc áp lực bạn phải chịu sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba lần.
Dẫn đến những quyết định không còn chính xác. Nó giống như việc cầu thủ đá tập penalty thì quả nào cũng vào nhưng trong trận chung kết thì lại sút trượt.
Thứ ba, việc cháy tài khoản (mất hết tiền), đến 99% nguyên nhân là do sử dụng Margin.
Thứ tư, rủi ro đến từ chính sách Margin của một số CTCK. Khi một cổ phiếu đã tăng mạnh hoặc khi một cổ phiếu bất ngờ có tin xấu, CTCK sẽ siết margin không cho vay nữa để tránh rủi ro.
Một khi cầu không đáp ứng đủ cung thì tất yếu dẫn đến việc giá cổ phiếu sẽ rớt mạnh từ đỉnh xuống. Những nhà đầu tư không bán kịp, tỷ lệ nợ vượt cam kết sẽ bị các CTCK callmargin bằng hai cách:
Một là, nộp tiền vào để đảm bảo tỷ lệ nợ;
Hai là, bán chứng khoán ra để đảm bảo tỷ lệ nợ; Việc cổ phiếu bị bán ra hàng loạt (giải chấp) do bị callmargin giống như hiệu ứng tuyết lở, càng làm cho giá cổ phiếu rớt thê thảm nếu như không có lực cầu đủ mạnh vào đỡ.
Ví dụ như hiện tại là trường hợp ở các cổ phiếu TTF, EVE, DRH, TSC… nhiều nhà đầu tư không bán kịp dẫn đến cháy tài khoản. Giai đoạn nào cũng có cổ phiếu rơi vào trường hợp tương tự như vậy, gần đây nhất là các cổ phiếu JVC, OGC, HAG…
Thứ năm, thấy có rất nhiều nhà đầu tư ban đầu sử dụng margin với mục đích để đầu tư lướt sóng ngắn hạn, nhưng do dùng lâu thành quen, sau đó sử dụng cả năm dẫn đến bị sai mục đích ban đầu, gây thiệt hại nặng nề khi thị trường đi xuống…
Với các lý do trên theo mình các bạn mới chưa nên sử dụng dịch này. Nếu sau này bạn đầu tư thành công với lợi suất cao hơn hẳn thị trường chung thì bạn có thể cân nhắc tới vấn đề này sau.