Trước khi nghĩ đến chuyện kiếm tiền, bạn phải giữ được tiền cái đã, đừng cố chấp với tư tưởng ‘chưa bán là chưa lỗ’ kẻo có ngày trắng tay.
Tôi tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2017. Từ đó đến nay, tôi đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, có niềm vui và xen lẫn cả đau thương. Tôi cũng trực tiếp được nếm trải hai lần thị trường “uptrend” (2017, 2020-2021) và hai lần “downtrend” (2018, 2022).
Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm, nên đợt giảm này, tôi may mắn thoát từ tháng tư – ngay khi thị trường vừa vào “downtrend” (mốc 1.500 điểm). Tôi cũng có bắt đáy tỷ trọng mỏng nhẹ, thấy lỗ là bán dứt khoát nên mất không đáng kể.
Vì thế, tôi có vài bài học từ chính bản thân, xin chia sẻ cho những nhà đầu tư trẻ đang thua lỗ vì chứng khoán. Xin nói thêm là tôi không dám dạy ai kiếm tiền, làm giàu bằng chứng khoán, mà là mong đưa ra vài lời khuyên để giúp các bạn ít thua lỗ nhất có thể.
Một vài nguyên tắc đầu tư của tôi như sau:
Thứ nhất, trước khi nghĩ đến chuyện kiếm tiền, bạn phải giữ được tiền cái đã. Trong đó, cắt lỗ là bài học cơ bản, cũng là quan trọng nhất để giữ tiền khi đầu tư. Tôi chưa thấy ai thành công mà coi thường cắt lỗ.
Các cuốn sách về kiến thức chứng khoán cũng đề cao quản trị rủi ro và cắt lỗ. Đó luôn là những chương đầu tiên, trước khi đến với bài học kiếm lãi. Đụng vào mấy cổ phiếu tệ, tương lai doanh nghiệp đi xuống mà bạn cứ cố chấp ôm vài năm thì chỉ có thua đậm.
Thứ hai, đừng trung bình giá xuống trong kỳ “downtrend”. Khi mua vào, bạn kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ lên, nhưng rồi nó lại đi xuống. Điều đó chứng tỏ tất là kỳ vọng và phân tích của bạn trước đó đều đã sai. Thế nên, đừng gia tăng cái sai của mình (trung bình xuống). Nếu còn mua thêm thì chẳng khác nào khuyếch đại đó lên – “đốt” tiền.
Thứ ba, nhiều người lúc mua thì TA (Technical Analysis – phân tích kỹ thuật) các kiểu, nào là break nền, test cung, cạn lực bán… Nhưng đến khi lỗ thì lại cố giữ vì FA (Fundamental Analysis – phân tích cơ bản) nào là doanh nghiệp tốt này kia. Hứng đầu tư đúng đắn nhất là bạn mua vì lý do gì, thì hãy bán vì lý do đó.
Thứ tư, “chưa bán là chưa lỗ” – đó là suy nghĩ của rất nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Nghe qua thì có vẻ hay những thực tế đó lại là một quan điểm hoàn toàn sai lầm trong đầu tư chứng khoán. Ngay cả phù thủy chứng khoán Mark Minervini, mấy chục năm trên sàn, cũng chưa bao giờ vi phạm nguyên tắc cắt lỗ. Cá nhân tôi cứ âm 8% là bán bất chấp lý do, không có ngoại lệ. Kể cả khi cổ phiếu quay đầu tăng lại tôi cũng mặc kệ.
Thứ năm, dòng tiền là cực kỳ quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Thị trường chứng khoán luôn biến động mạnh với những diễn biến khó lường. Nhà đầu tư cần dựa trên các chỉ số, dấu hiệu để nhận định xu hướng giá cổ phiếu. Phân tích chứng khoán theo dòng tiền được đánh giá là một phương pháp đầu tư khá hiệu quả mà người chơi có thể sử dụng.
Thứ sáu, cổ phiếu thị giá thấp chưa chắc đã là cổ phiếu rẻ. Đừng nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau nếu không muốn phải ôm hận vì mua nhầm.
Thứ bảy, công ty có tên tuổi, liên tục báo lãi hàng quý, hàng năm, cũng không có nghĩa là giá cổ phiếu của họ sẽ đi lên. Giá cổ phiếu lên hay xuống phụ thuộc vào kỳ vọng tương lai, tăng trưởng, chứ không phải cứ lãi đều đều một con số qua nhiều năm là cổ phiếu sẽ đi lên. Nếu bạn chỉ nhìn tên tuổi doanh nghiệp thì tốt nhất không nên chơi chứng khoán.
Và còn rất nhiều những nguyên tắc khác trong đầu tư chứng khoán mà tôi không thể kể ra hết ở đây, tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm và những kiến thức mà mà thu lượm được trong suốt quá trình đầu tư lâu dài của bạn.
Tôi không phải một nhà đầu tư quá giỏi, cũng rất nhiều lần “ngã ngựa” vì chứng khoán. Nhưng chính những vấp ngã đó đã cho tôi thêm nhiều bài học xương máu để hiểu hơn về thị trường cũng như tuân thủ những nguyên tắc nhất định để đầu tư an toàn.
Tôi không dám khuyên ai hay bảo ai phải làm theo mình mới thành công, nhưng hy vọng những quan điểm cá nhân trên đây của mình sẽ là một gợi ý giá trị cho những ai đang loay hoay trong cơn biến động chứng khoán hiện tại.
Nguồn: Quoc Khanh Vnexpress