Học Cách Từ Chối

https://www.youtube.com/watch?v=vyWt5rfm9R4

Chọn đúng bạn thì sống không đau đầu, từ chối đúng người thì sống không vướng mắc: Nguyên tắc đơn giản mà mấy ai làm được?

Một tiếng “Không” vừa dễ vừa khó, nói sao cho người ta bị từ chối mà vẫn cười tươi rói quay về?

Đối với nhiều người, để nói ra chữ “Không” cần rất nhiều can đảm, có thể do hoàn cảnh đưa đẩy, cũng có thể do nể mặt đối phương.

Tuy vậy, trong công việc hay trong cách đối nhân xử thế hàng ngày, chúng ta bắt buộc phải học cách từ chối những yêu cầu vô lý của người khác để không tự đẩy bản thân rơi vào quá nhiều vướng mắc và mệt mỏi.

Đôi khi, chúng ta cho rằng từ chối người khác là một hành động làm mất mặt, không nể tình nghĩa với đối phương.

Chính vì vậy, khi đối mặt với những yêu cầu, những lời nhờ vả của họ, cho dù trong lòng không muốn làm như vậy, rất nhiều người vẫn phải âm thầm chấp nhận để thể hiện sự nể mặt của bản thân.

Cho dù khó xử và vướng mắc đến mấy, đa số chúng ta vẫn không thể nói ra lời từ chối người khác một cách thẳng thắn.

Bận tâm đến mặt mũi và tình nghĩa, không biết cách lắc đầu cự tuyệt, chúng ta đang tự tạo ra hoàn cảnh xấu và làm khổ chính mình.

Trước những yêu cầu vô lý từ người khác, chúng ta cần phải biết cách từ chối hợp lý, rõ ràng vì chỉ có như vậy, cuộc sống mới trở nên dễ dàng, thoải mái hơn.

Chọn đúng bạn thì sống không đau đầu, từ chối đúng người thì sống không vướng mắc. Cho dù trong cuộc sống, mỗi người đều có rất nhiều chuyện khó xử.

Khi người khác gặp khó khăn, muốn nhờ bạn giúp đỡ, nếu chuyện đó nằm trong tầm khả năng của mình, có thể giúp thì nhất định phải giúp. Có thể chìa bàn tay giúp người trong lúc hoạn nạn, họ sẽ trân trọng và nhớ ơn bạn suốt đời.

Tuy nhiên, nếu gặp những yêu cầu không hợp lý, chúng ta nên tỉnh táo để đưa ra lời cự tuyệt thích đáng. Cho dù hoàn cảnh lúc ấy khó xử đến mấy thì vẫn phải tìm cách nói ra, chỉ có tiếng “Không” rõ ràng mới có thể giúp cuộc sống của bạn thanh thản hơn, bình tĩnh hơn.

Từ chối người khác là cách “cứu lấy” cuộc sống của chính mình

Nếu có lý do thỏa đáng, đừng ngại ngần nói lời từ chối người khác. Khi yêu cầu giúp đỡ, ai cũng phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để chấp nhận cả hai kiểu đáp án. Vì vậy, cho dù chúng ta đưa ra bất kỳ câu trả lời nào cũng đều nằm trong dự kiến của họ.

Chuyện không muốn làm thì tốt nhất đừng cố ép, cũng như chuyện không đủ khả năng thì tốt nhất đừng bao giờ nhận. Cho dù trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày, một lời từ chối thẳng thắn, rõ ràng, không quanh co và thỏa đáng sẽ giải quyết rất nhiều rắc rối không đáng có.

Có thể khi vừa bị từ chối, đối phương nhạy cảm và khó chịu trong lòng nhưng một thời gian sau, đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nếu là người thông tình đạt lý thì sớm muộn gì họ cũng cảm thông cho chúng ta.

Học được cách từ chối, bạn mới làm cho cuộc sống của mình trở nên “dễ thở” hơn một chút. Ai cũng chỉ có một cuộc đời mấy chục năm ngắn ngủi, nếu không biết sống cho chính mình và chỉ chăm chăm làm theo lời người khác để lấy lòng, có phải chúng ta đã lãng phí cả tuổi xuân rồi hay không?

Đừng làm những việc mà bạn không muốn làm, đừng quan tâm đến ý kiến ​​của người khác. Chỉ khi nào biết cách từ chối, học cách nói “Không”, đó mới là lúc bạn đối xử tử tế với chính bản thân mình. Đừng vì người khác mà làm khổ, cưỡng ép bản thân để rồi tự nhận phần đắng cay về mình.

Từ chối người khác là trách nhiệm cho bản thân và cho chính họ

Đừng lo lắng về việc làm tổn thương người khác khi bạn từ chối vì nếu cưỡng ép bản thân, bạn lại đang tổn thương chính mình.

Và hãy nhớ rằng, từ chối không phải lời nói thể hiện sự xa cách mà phải bộc lộ sự chân thành, vừa khiến nội tâm mình thoải mái, vừa không làm đối phương mất mặt.

Trước khi đưa ra quyết định, hãy cẩn thận lắng nghe hoàn cảnh của người ta, cân nhắc kỹ càng xem mình có đủ khả năng thực hiện yêu cầu của họ hay không.

Đừng để người khác vừa mở miệng, còn chưa đề cập gì cụ thể, bạn đã vội vàng kiếm cớ quanh co để chối từ. Đó không hẳn từ chối mà đơn giản là trốn tránh khó khăn.

Cho dù làm bất cứ chuyện gì đều cần chú ý tới cách thức nói chuyện và phương pháp xoa dịu, đặc biệt là khi bạn muốn nói lời từ chối yêu cầu của đối phương.

Khi từ chối, hãy kiên nhẫn giải thích để đối phương hiểu chỗ khó xử của bạn và nhận được lời khuyên cần thiết.

Giọng điệu và cách nói chuyện cần phải được lựa chọn kỹ càng, tìm lối biểu đạt uyển chuyển để không làm mất mặt hay khó xử cả hai bên.

Học cách từ chối người khác và hiểu sự từ chối của người khác với mình là những điều bắt buộc phải trải qua để trưởng thành hơn trên đường đời. Khi bạn làm được cả hai điều ấy, bạn sẽ thấy rằng cuộc sống không còn mệt mỏi vì những lý do không tên và ánh nắng tươi sáng đang ngập tràn.

Vì thế, rất nhiều người không muốn nghe và nói “không” vì sợ gây sốc và bị sốc. Nhưng trên thực tế việc thẳng thắn từ chối là một cử chỉ rất đẹp, rất thật, rất đơn giản và có thể đạt được giá trị vô cùng lớn trong giao tiếp đó là: “lòng tin”.

Mặc dù chúng ta vẫn truyền nhau câu cửa miệng: “Mất lòng trước được lòng sau” nhưng rất nhiều người rất ngại phải nói “không” nên chọn cách giao tiếp bớt gây cảm giác tiêu cực như: từ chối khéo, nói giảm nói tránh, lảng chuyện, im lặng hay thậm chí tệ hơn là nhận lời bừa, hứa hão hay hứa mà không thực hiện.

Tuy nhiên, tất cả những cách trên đều gây phản ứng phụ không tốt cho giao tiếp lành mạnh. Sau đây mình gợi ý bạn đọc một số phương pháp cơ bản để việc từ chối được nhẹ nhàng, lịch sự nhất, vừa hợp ý người nói vừa hài lòng người nghe.

5 điều cần lưu ý khi học cách nói “Không” tế nhị:

1. Từ chối vào thời điểm thích hợp

Chọn thời điểm thích hợp để từ chối là phương pháp đầu tiên và cơ bản nhất trong bí quyết từ chối bởi nó đem lại hiệu quả vô cùng tích cực hay tiêu cực tùy vào bối cảnh của giao tiếp.

Ví dụ như khi ai đó bày tỏ tình cảm hay cầu hôn với mình trước mặt những người khác khi bạn không thích hay không muốn cưới họ, đừng cười nhạo họ, đừng nói không ngay trước mặt mọi người khiến không khí không vui hoặc căng thẳng.

Thay vào đó hãy vui tươi nói lời cảm ơn bởi họ đã có nhã ý quan tâm và yêu thương bạn nhưng tuyệt đối không nhận lời mà thay vào đó hãy nói bạn rất vui nhưng quá bất ngờ và mong có thêm thời gian suy nghĩ.

Hãy nói lời từ chối vào một dịp thích hợp nhất, khi chỉ có hai người hoặc một vài người bạn thân thiết, khi cả hai bên đều bình tĩnh và điềm đạm bên ly cà phê, cốc trà hay một cuộc gặp gỡ nhẹ nhàng để tránh gây căng thẳng, bối rối, thất vọng và xấu hổ cho người nhận

2. Từ chối với từ ngữ và giọng điệu thích hợp

Khi đã chọn được thời điểm thích hợp, người từ chối cũng cần biết cách sử dụng ngữ điệu thích hợp, không nên tỏ ra kiêu kỳ vì được theo đuổi, càng không nên tỏ ra khinh mạn, chỉ trích, dè bỉu sản phẩm mình không thấy phù hợp bằng những giọng điệu ngôn ngữ thiếu tế nhị.

Những từ ngữ như: “Mình e rằng, …”, “Mình sợ rằng, …”, “Liệu chúng ta có nên …?”, “Hay là, …”, “Sao chúng ta không thử …” “Cho mình thêm thời gian để suy nghĩ, …

3. Giải thích rõ ràng lý do từ chối

Để giải thích được rõ ràng lý do từ chối, chúng ta phải biết chắc rằng đây thực sự là điều mình không muốn làm, người mình không muốn gặp, … để tránh ân hận sau khi đã đưa ra lý do từ chối.

Việc giải thích rõ ràng lý do từ chối là vô cùng cần thiết trong văn hóa “biết cách nói không”. Nếu bạn phải từ chối ai đó, đừng cố tình vòng vo, quanh co hay lảng tránh, im lặng sẽ khiến người nghe mong đợi, hy vọng và sau đó là thất vọng tổn thương và giận dữ nhiều hơn.

Chẳng hạn như chúng ta sẽ không nói anh thật không biết mình là ai hay sao mà đòi yêu tôi? Hay em không xứng với người giàu có và bảnh trai như anh hay là hãy chờ em một thời gian nữa để cho người nghe những hi vọng không có thật.

Nếu bạn thấy họ không phải là người mình muốn hãy từ chối thẳng thắn và đưa ra những lí do hợp lý như nếu em yêu anh, em sẽ không thể đem lại cho anh những gì anh mong đợi.

Nếu anh cưới em, em sẽ không thể có một cuộc sống như em xứng đáng nhận, nếu bạn nghỉ làm công việc này, bạn hoàn toàn có khả năng tìm được chỗ tốt hơn rất nhiều, phù hợp với năng lực của bạn.

Trong kinh doanh cũng vậy, chúng ta không nên từ chối bằng giọng điệu dè bỉu, chỉ trích hay phàn nàn chất lượng hay giá trị của sản phẩm.

Hãy khen ngợi những mặt tích cực của sản phẩm nhưng đồng thời cũng lồng ghép những yếu tố chưa phù hợp như giá cả ngoài khả năng chi trả của mình hay mẫu mã màu sắc chưa phù hợp.

4. Hỗ trợ tinh thần, vật chất người bị từ chối

Đôi lúc việc nhận quyết định từ chối khiến người trong cuộc hoàn toàn suy sụp, chẳng hạn như bị đệ đơn li hôn, bị từ chối tình yêu hay bị sa thải công việc hoặc sự nghiệp quan trọng.

Người đó có thể bị sốc mọi mặt như tài chính, tình cảm và tinh thần. Vì vậy, người đứng ra từ chối dù vì bất cứ lí do gì như do lỗi của người trong cuộc, hay do cả hai bên hay những lí do khách quan, chúng ta không nên lao vào cuộc chiến phân tích đúng sai, phân định thắng thua hay tranh giành thêm lợi ích.

Nếu có thể, sau khi giải thích rõ ràng lí do từ chối là tốt cho cả hai bên, hãy hỗ trợ người bị từ chối tinh thần và vật chất nhiều nhất có thể.

Việc hỗ trợ vật chất và tinh thần người bị từ chối nếu không khéo léo và thẳng thắn rất có thể sẽ gây hiểu lầm, mong đợi và hi vọng nên việc hỗ trợ một mặt và thẳng thắn từ chối một mặt cũng vẫn là cách rõ ràng và hợp lý nhất để đi đến kết quả giao tiếp hợp tình hợp lý.

5. Đón nhận tích cực những phản ứng tiêu cực

Việc người bị từ chối có phản ứng buồn bã, bất mãn, thất vọng hay đau khổ là một phần tất yếu của sự từ chối cho dù chúng ta đã sử dụng mọi cách từ chối nhã nhặn và chân thành nhất có thể.

Đôi lúc những mong muốn, hi vọng của người ta lên quá cao và quá nhiều, họ ít có khả năng chấp nhận vui vẻ sự từ chối. Vì vậy, chúng ta vẫn cần giữ thái độ tích cực nhất có thể bằng thái độ điềm đạm, bình tĩnh và kiên nhẫn nhất.

Dần dần khi cảm xúc lắng xuống, suy nghĩ trước sau nhiều chiều, người trong cuộc sẽ hiểu ra, việc từ chối thẳng thắn chính là một hành động tích cực như câu thành ngữ: “Mất lòng trước, được lòng sau”.

Đặc biệt là khi người trong cuộc có một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chấm dứt việc làm, hợp đồng kinh doanh hay mối quan hệ lãng mạn không phù hợp, người bị từ chối lúc đó lại sẽ rất nhiều khả năng quay lại với thái độ cảm kích và trân trọng.

Leave a Comment